MỘT TƯỢNG ĐÀI CỦA VĂN HÓA ĐỌC
Năm 1980, khi nhà văn Nguyễn Hiến
Lê quyết định chuyển về ẩn dật ở Long Xuyên, có lẽ ông chưa thể hình dung rằng
không đầy mười năm sau, sách của ông sẽ được in lại trang trọng và xuất hiện
trên các quầy sách trong một thị trường văn học rất kén chọn độc giả. Lúc đó,
nhìn dáng ông thong dong và lặng lẽ lui vào ngõ vắng, hẳn không ít người nghĩ rằng,
cùng với sự rút lui của tác giả, những cuốn sách của ông cũng đã qua cái thời của
nó.
XEM THÊM:
- Có chăng nghệ thuật đọc sách (Huỳnh Như Phương)
- Hãy cầm lấy và đọc (Huỳnh Như Phương)
Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê ghi lại
tinh thần làm việc say mê và tính kỷ luật của ông: mỗi ngày, ông dành thời gian
để sắp xếp tài liệu, ghi chép, suy nghĩ trước khi ngồi vào bàn viết. Ông có
thói quen viết vào buổi sáng và buổi chiều, còn buổi tối dành để đọc sách báo.
Trung bình mỗi năm ông in ba cuốn sách, tổng cộng khoảng 900 trang. Có người
kêu: thời gian ở đâu mà ông viết được nhiều vậy? Ông bảo: có gì đâu mà nhiều, tính
bình quân mỗi ngày chỉ viết có ba trang chứ mấy! Viết văn, nhiều người cứ ngồi
chờ cảm hứng đến. Với những người như ông thì muốn có cảm hứng, phải ngồi vào
bàn và cầm bút viết ra giấy. Kiên trì, nhẫn nại, toàn tâm toàn ý, Nguyễn Hiến
Lê xây dựng sự nghiệp mình như vậy. Thật là đáng trọng một nghị lực, một tính
cách, một nhân cách: hơn hai mươi năm ở Sài Gòn ông chỉ đi ăn đám cưới bốn, năm
lần; ông từ chối lời mời dạy học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn vì sợ thì giờ
bị phân tán; hai lần ông lịch sự mà kiên quyết không nhận giải thưởng văn học
nghệ thuật để giữ trọn sĩ khí của một nhà văn hóa độc lập với chính quyền.
Những người viết sách ngày nay học
được rất nhiều ở Nguyễn Hiến Lê về đạo đức nghề nghiệp và lương tri của người
trí thức. Sách của ông không tránh khỏi những thiếu sót nhất định do hạn chế lịch
sử, nhưng ông không bao giờ viết điều gì trái với lương tâm, để mười năm, hai
mươi năm sau phải hổ thẹn khi đọc lại. Ông luôn luôn đúng hẹn với các nhà xuất
bản, cố gắng giao nộp bản thảo trong dạng thức hoàn chỉnh với tất cả khả năng của
mình, không để sót những lỗi kỹ thuật vì vô ý. Mỗi lần sách được tái bản, ông đều
xem lại, sửa chữa và bổ sung. Ông cẩn trọng đến mức, hồi dịch Chiến tranh và
hòa bình, do tình hình chiến sự, ông đã chép tay trên giấy than thành ba bản: một
đưa cho nhà xuất bản Lá Bối, một cất ở nhà và một gửi về quê, phòng bị thất lạc.
Một trong những cuốn sách cuối cùng của ông lấy nhan đề là Để tôi đọc lại: đó
là những bài viết đã công bố trên báo nhưng ông chưa muốn đưa vào sách mà cẩn
trọng để có thêm thời gian đọc lại và suy nghĩ.
Những doanh nhân làm sách ngày
nay còn có thể học ở Nguyễn Hiến Lê một tấm gương về tinh thần tự lực tự cường.
Để không bị các nhà phát hành bóc lột, để góp phần làm giảm giá thành của sách,
ông đã lập nhà xuất bản mang tên mình, tìm cách phân phối sách cho các đại lý
và hàng tháng đi xe ôm thu hồi tiền bán sách. Sách của nhà xuất bản Nguyễn Hiến
Lê, tuy hoạt động dưới thời “thực dân mới”, nhưng cuốn nào cũng mang đậm tinh
thần dân tộc, không hề có những nhan đề giật gân, câu khách và những hình bìa
diêm dúa như một số cuốn sách bây giờ.
Một điều nữa góp phần khẳng định Nguyễn Hiến Lê như một tượng đài của văn hóa đọc, đó là ông đã thể hiện tấm gương tự học để trở thành nhà văn hóa ở đỉnh cao. Ở Sài Gòn thời đó, ông thường xuyên nhận được những cuốn sách mới nhập về từ Âu Mỹ, ông nắm bắt thông tin về khoa học, tư tưởng trên thế giới một cách nhạy bén, kịp thời; nhưng ông không vồ vập mà cân nhắc, chọn lọc để giới thiệu cái gì có ích cho dân tộc mình. Chưa thấy ai chê ông là người nệ cổ; cũng chưa thấy ai trách ông là người sùng ngoại, xu thời.
Nguyễn Hiến Lê từng nói, để viết ra được một cuốn sách, cần phải đọc thật nhiều sách; viết là một cách học tập, học tập để mà viết. Muốn có gì để nói với mọi người, thì trước hết mình phải nạp năng lượng tri thức và tiêu hóa năng lượng. Nhờ thế, những hạt giống được gieo trong sách mới nẩy mầm và đơm hoa kết trái
(Huỳnh Như Phương, trích Hãy cầm lấy và đọc, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr. 21-25)