CÓ
CHĂNG NGHỆ THUẬT ĐỌC SÁCH
Với những nho sĩ thời xưa, đọc sách, bình văn nhiều khi là chuyện thiêng liêng, người ta chuẩn bị không gian và tâm thế thanh tịnh để thưởng ngoạn một cuốn sách: một căn phòng thanh vắng, một lư trầm, y phục tề chỉnh.
Việc đọc sách là thói quen của từng
người, không ai giống ai. Có những người kỹ tính giữ gìn cẩn trọng từng cuốn
sách, không làm nhàu nát, không dám viết hay ghi “nốt” gì trong sách, đánh dấu
trang sách đọc dở bằng tấm thẻ nhỏ chứ không dám gập nếp góc trang giấy làm đau
sách. Lại có những người cho rằng giá trị của sách là ở tinh thần của nó chứ
không phải dáng vẻ bề ngoài, nên mình là chủ thì có toàn quyền sử dụng: thoải
mái gạch dưới những câu văn cần chú ý, ghi bên lề những dấu hỏi, dấu than, những
lời nhận xét, bình phẩm... Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ những “ghi
chú bên lề” đó trong tủ sách mà các danh nhân để lại.
Cả cuộc đời không thể nhớ mình
đã đọc bao nhiêu cuốn sách, đã gặp bao nhiêu ý tưởng độc đáo, bao nhiêu bài học
sâu sắc mà rồi thời gian đã đưa vào quên lãng. Ý thức điều đó, nhiều người, dù
không phải là nhà nghiên cứu, luôn chuẩn bị sẵn một cuốn sổ tay ghi lại những
đoạn văn hay, được sắp xếp theo chủ đề, kèm theo xuất xứ. Năm mười năm sau, giở
ra đọc lại, thấy càng thú vị, hay trái lại, ngạc nhiên sao hồi trước mình lại
khoái cái ý tưởng vớ vẩn này...
Cách ngồi đọc sách cũng tùy vào
loại sách và mục đích của việc đọc. Đọc sách khoa học kỹ thuật, triết học... với
mục đích nghiên cứu thì phải ngồi vào bàn nghiêm túc, tập trung tư tưởng, đôi
khi phải đứng dậy đi đi lại lại ngẫm nghĩ để tiêu hóa một ý tưởng, một luận điểm.
Tương truyền rằng tấm thảm trong phòng làm việc của Karl Marx in hằn dấu chân
ông. Còn đọc thơ, đọc truyện để giải trí thì tha hồ thoải mái: đọc khi nằm đợi
giấc ngủ, lúc đi du lịch, trong buổi họp nhàm chán, khi chờ khám bệnh hay xin
giấy tờ...
Nghệ thuật đọc sách chung quy là
nghệ thuật sử dụng thời gian, thời gian học tập hay thời gian giải trí. Đọc là
cách nối dài sự hiện hữu của mình.
Sách cũng như bạn, có bạn nghề
nghiệp, có bạn tâm giao, có bạn để tán dóc... Mình chọn bạn mà chơi và tùy theo
bạn mà biết cách chơi. Không nên ép đọc sách theo một kiểu nào, một khuôn khổ
nào. Lâm Ngữ Đường khuyên ta: Lúc nào thấy thích đọc thì mở sách ra mà đọc. Nói
theo một truyện ngắn trào phúng của Aziz Nesin, nếu cứ chờ đến khi không có ruồi
bay, thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì cả.