PHÂN
TÍCH BÀI THƠ “RẰM THÁNG GIÊNG” (NGUYÊN TIÊU)
Rằm tháng Giêng
là bài thơ viết bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh. Tác phẩm dùng nhiều chất liệu thơ
Đường nhưng vẫn là một thi phẩm đặc sắc, mang vẻ đẹp, sức sống và tinh thần của
thời đại mới. Bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan và tình yêu thiên nhiên sâu sắc
của Bác.
Trước hết, bài
thơ Rằm tháng Giêng hấp dẫn tôi bởi vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật Tác phẩm có
vẻ đẹp cổ điển của thơ Đường, thể hiện qua việc sử dụng những chất liệu như vầng
trăng, làn nước, bầu trời trong mối quan hệ thống nhất hài hoà! Nguyên tiêu là
rằm tháng Giêng, một đêm trăng viên mãn đầu tiên của một năm, một đêm trăng mùa
xuân: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên (Đêm nay rằm tháng Giêng, trăng
tròn đầy). Câu thơ đầu tiên ghi nhận về thời gian mà mở ra cả không gian
bát ngát của bầu trời với vầng trăng rằm tròn đầy, viên mãn. Câu thơ thứ hai tiếp
nối câu thơ thứ nhất mở rộng không gian theo chiều dài, chiếu rộng, chiếu cao,
từ mặt nước đến bầu trời: Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên (Sông xuân,
nước xuân, tiếp nối trời xuân). Ba chữ “xuân” liên tiếp xuất hiện
trong một câu thơ nhấn mạnh vẻ đẹp tràn đẩy sức sống của mùa xuân. Mùa xuân, sắc
xuân, vẻ đẹp tươi mới của xuân xanh dâng lên trên dòng sông, làn nước và cả bầu
trời mùa xuân. Phải có đôi mắt tinh tế, lạc quan, yêu đời, trẻ trung mới tạo được
một bức tranh mùa xuân đẹp như thế.
Bài thơ còn đặc
sắc ở bút pháp chấm phá và “tả cảnh ngụ tình” của thơ Đường. Chỉ một vài nét gợi
như một vầng trăng, làn nước, nơi khói sóng thăm thẳm... nhà thơ đã hoạ nên bức
tranh đêm trăng mùa xuân đầy sức sống. Qua đó, người đọc nhận ra tinh thần lạc
quan và tình yêu thiên nhiên của thi nhân. Rằm tháng Giêng bộc lộ sự hoà
nhập vào thiên nhiên của người chiến sĩ dù cách mạng đang trong tình thế khó
khăn.
Mặt khác, sức hấp
dẫn của bài thơ còn đến từ chủ để. Các biện pháp nghệ thuật là chìa khoá để người
đọc hiểu được chủ đề của bài thơ: tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
Hai câu “chuyển”, “hợp” tạo được không khí hiện đại, thời kì kháng chiến chống
Pháp nơi chiến khu Việt Bắc của ta. Đây là cuộc họp của Bộ chỉ huy kháng chiến
diễn ra tại một thời điểm bí mật, vào tháng Giêng năm 1948, khi lực lượng chúng
ta còn yếu thế, thế lực của giặc đang mạnh. Nhưng sau khi những việc trọng đại
đã được giải quyết, con thuyền trở về tràn đầy ánh trăng: Dạ bán quy lai
nguyệt mãn thuyền (Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng). Nỗi cô đơn và
nỗi buồn man mác thường thấy trong thơ Đường đã nhường chỗ cho tư thế ung dung,
đĩnh đạc của người chiến sĩ, vì đã thấu triệt quy luật vận động của lịch sử mà
có niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng. Tình cảm của tác giả trong bài
thơ có sức lan toả, giúp cho người đọc cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của thiên nhiên
đồng thời có niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến.
Nhìn chung, Rằm
tháng Giêng là bài thơ có sự kết hợp hài hoà, khéo léo giữa chất liệu của thơ
Đường với tinh thần của thời đại mới - tinh thần lạc quan cách mạng. Tuy còn
nhiều khó khăn, gian khổ, phải đến nơi “khói sóng sâu thẳm” để họp bàn quân cơ
trọng đại nhưng khi nhìn thấy vị chỉ huy của cuộc kháng chiến bình tĩnh, ung
dung trên con thuyền lướt đi trong đêm trăng rằm lộng lẫy thì mọi người có quyền
tin tưởng, lạc quan ở ngày toàn thắng. Sức mạnh tinh thẩn của Chủ tịch Hổ Chí
Minh đã đem lại cho dân tộc ta niềm tin mãnh liệt và sức mạnh to lớn để chiến
thắng quân thù.
(Theo Trần Khánh Thành, Giảng văn Văn học Việt Nam Trung học cơ sở,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2010)
Nguồn: Sách giáo khoa Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo, tập 2