Chào mừng quý thầy cô và các em học sinh đến với website "Học liệu số"!

Bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

Bước tới Đèo Ngang1 bóng xế tà,

Cỏ cây chen lá, đá chen hoa.

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông rợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc2,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia3.

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng ta với ta.

(Bà Huyện Thanh Quan, Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 14, NXB Khoa học xã hội, Tr. 979)

Cảnh đèo Ngang

Chú thích:

(1) Đèo Ngang: Nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, trên dải Hoành Sơn thuộc rặng Trường Sơn, đâm ngang ra biển; ngăn cách địa giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Đình.

(2) Quốc quốc: Chim cuốc; tiếng kêu nghe như “quốc quốc”, vì vậy các nhà Nho bèn lấy loài chim này để chuyển dịch tên chim Đỗ Quyên hoặc Tử Quy, tương truyền là hồn Vọng đế nước Thục, mất nước, hóa thành chim, ngày đêm nhớ nước, tiếng kêu nghe thảm thiết.

(3) Gia gia: Chim đa đa, cũng có tên là “gà gô”.

Tiểu sử Bà Huyện Thanh Quan

Bà Huyện Thanh Quan, tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê ở làng Nghi Tàm, hiện thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Hiện chưa rõ năm sinh và năm mất của bà, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của bà gắn liền với thế kỷ XIX.

Chồng bà, ông Lưu Nghị, làm tri huyện Thanh Quan (nay thuộc tỉnh Thái Bình), vì vậy, bà được gọi là Bà Huyện Thanh Quan.

Bà là một trong những nữ sĩ tài danh hiếm có của văn học Việt Nam thời trung đại.

Phong cách sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan

Thơ của Bà Huyện Thanh Quan mang đậm dấu ấn của văn học trung đại Việt Nam, với những chủ đề như hoài cổ, tình yêu quê hương và nỗi nhớ về thời vàng son đã qua.

Các sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan có lời thanh nhã, ý cổ kính, thường mang nặng nỗi u hoài nhớ tiếc quá khứ của vương triều Lê và Thăng Long.

Một số bài thơ tiêu biểu của Bà Huyện Thanh Quan

Mặc dù không sáng tác nhiều, những bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Hầu hết các tác phẩm của bà được viết bằng chữ Nôm, theo thể thơ Đường luật, với những bài nổi bật như: Thăng Long thành hoài cổ, Chùa Trấn Bắc, Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Tức cảnh chiều thu, Cảnh đền Trấn Võ, Cảnh Hương Sơn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn