HỌC VĂN - ĐỌC VĂN
Học văn trước hết
phải đọc hiểu văn, mà đọc hiểu văn thì không giản đơn như là đọc chữ. Bất cứ ai
thoát nạn mù chữ, đều có thể đọc được các văn bản, nhưng không nhất thiết đọc
hiểu văn. Thoát nạn mù chữ không có nghĩa là thoát nạn “mù văn”. Cho nên sau khi
xóa nạn mù chữ ở cấp học dưới, lên trung học học sinh còn tiếp tục học nhiều
năm để biết đọc hiểu văn, cắt nghĩa văn. Có đọc hiểu văn rồi thì mới biết thế
nào là văn hay, thế nào là thị hiếu văn lành mạnh và viết thế nào là hay. Giảng
văn chỉ là giảng cách hiểu của người đọc văn, cơ sở của nó là sự đọc hiểu.
Văn học có một đặc
điểm quan trọng là có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa đó được thể hiện tiềm ẩn. Đọc văn
học tức là đi tìm ý nghĩa tiềm ẩn đó. Phê bình văn học từ xưa đến nay đều chơi
trò đi tìm ý nghĩa của văn học, một “trò chơi” chẳng khác gì ú tim. Có khi ta
chạy về phía này, nhưng ý nghĩa lại nằm trốn ở phía kia; có khi ta hô bắt được
rồi, buông tay ra hóa ra bắt trượt. Ý nghĩa là điều mê hoặc lớn và niềm đam mê
lớn đối với người đọc. Mọi tác phẩm văn học mà ta cho là hay đều thấp thoáng một
ý nghĩa thú vị ở bên trong.
Người ta đã xây
dựng nên nhiều lý thuyết và phương pháp để nắm bắt ý nghĩa. Người thì chủ
trương trực cảm, người lại chủ trương phân tích khoa học. Nào phương pháp tiểu
sử, nào chủ nghĩa cấu trúc, nào phân tâm, nào ký hiệu, nào giải mã, nào hiện tượng
học, nào ngôn ngữ học… Nhưng dù là phương pháp nào, chung quy, đọc văn học là
thông qua văn bản văn học mà đọc hiểu một văn bản lớn hơn là thế giới và cuộc đời,
là đi tìm ý nghĩa cuộc đời qua văn bản văn học. Đọc văn là cuộc đi tìm ý nghĩa
nhân sinh qua các văn bản thẩm mỹ của văn học bằng chính tâm hồn người đọc. Các
phương pháp chỉ là phụ trợ.
Ý nghĩa của văn
học không chỉ nằm trong văn bản, mà còn nằm trong mối liên hệ nhiều mặt với văn
bản cuộc đời. Vì thế ngoài văn bản phải tìm hiểu lịch sử, văn hoá, tâm lý… mới
đọc hiểu văn bản nghệ thuật. Có thời người ta hiểu ý nghĩa văn bản là cố định,
ai đó tài năng phát hiện một lần là dùng cho mãi mãi. Lý thuyết ngày nay cho thấy
ý nghĩa của văn học không ngừng biến động, lớn lên tùy vào các văn bản mà nó
liên hệ. Vậy nên cuộc đi tìm ý nghĩa không có hồi kết thúc. Có lúc người ta hiểu
ý nghĩa tác phẩm là đơn nhất, chỉ cần ai đó có tài phát biểu một câu là nắm hết
hồn vía. Song thực tế cho thấy tác phẩm văn học có nhiều tầng nghĩa, đa nghĩa,
mơ hồ, không dễ dàng gì tóm lược được vào một câu nhận định hay công thức nào
đó. Không ai có thể đọc một lần là xong. Mỗi lần đọc, mỗi cách đọc chỉ là một
chặng trên con đường chạy tiếp sức của biết bao độc giả để đến với tác phẩm. Với
lý thuyết tiếp nhận và quan niệm mới về tác phẩm văn học, một chân trời mới cho
công việc đọc văn được mở ra. Mọi người đọc đều có cơ hội bình đẳng như nhau
trong trò chơi tìm nghĩa. Không ai có tiếng nói cuối cùng. Không ai là duy nhất
đúng. Tác phẩm ngày càng giàu có lên trong tình yêu văn học của mọi người.
Nhưng văn học là
hiện tượng có quy luật. Thưởng thức văn học cũng có quy luật. Người đọc văn học
không có quyền tuyệt đối tự do, mà phụ thuộc vào cấu tạo của văn bản. Như người
ca sĩ hát bài hát của mình theo bản nhạc của nhạc sĩ, người đọc văn học cũng phải
cảm nhận tác phẩm theo cung bậc của văn bản. Tuy nhiên văn bản chưa phải đã là
tác phẩm.
Tác phẩm văn học
và đọc văn học thật là một hiện tượng diệu kỳ. Theo các nhà khoa học quan sát,
khi chưa đọc, văn bản in chỉ là một vật, một khách thể, nhưng khi đã đọc thì dần
dần khách thể đó biến mất, sách vẫn còn đó, nhưng đồng thời lại “biến mất” để
nhường chỗ cho thế giới hình tượng, sách từ bên ngoài chuyển vào nội tâm người
đọc, người đọc hoá thân vào nhân vật trong sách. Tại sao khi đọc sách ta bỗng
toàn tâm toàn ý suy nghĩ vào những điều chưa bao giờ nghĩ tới? Hoá ra ta suy
nghĩ bằng những ngôn từ, hình tượng của nhà văn, còn nhà văn thì phát biểu bằng
tâm hồn, trí tuệ của ta! Cho nên tuy biết rõ tác phẩm là của nhà văn mà ta vẫn
thấy có toàn quyền giải thích, hứng thú giải thích và khi nói là ta giải thích,
ta ấy đâu phải là chính ta! Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta thì chiếm
tác phẩm của họ! Cho nên tác phẩm văn học là một sản phẩm lạ lùng, nó gần như
xoá bỏ ranh giới giữa ta và tác giả. Người đọc không phải “đệm”, mà đã “chơi”
tác phẩm trên bản nhạc của nhà văn, do vậy tùy theo người “chơi” mà tác phẩm có
sự khác nhau.
Hiểu như vậy,
người đọc có vai trò rất lớn. Đọc văn không bao giờ giản đơn chỉ là đọc văn bản,
mà còn bao hàm sự ý thức cả cái cách mà mình hiểu tác phẩm nào đó, là tìm ra
cái tác phẩm “của mình”.
Nhưng lý luận tiếp
nhận cho biết có ba bảy đường tiếp nhận. Không hiểu, hiểu sai, hiểu ngược lại
nguyên ý của tác giả cũng đều là những cách tiếp nhận. Vậy nên vấn đề đặt ra là
phải tìm tòi những cách đọc có văn hoá để bắc nhịp cầu bình thường cho sự tiếp
nhận văn học. Cách đọc có văn hoá là tôn trọng ngữ cảnh của văn bản, ngữ cảnh của
tác giả và thời đại, ngữ cảnh của văn bản đời sống mà người đọc thuộc vào. Thi
pháp học sẽ giúp ta chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật và ngôn ngữ biểu đạt của nó
để trên cơ sở đó mà khám phá ý nghĩa của tác phẩm. Trong cách đọc văn của mình,
chúng tôi đặc biệt chú trọng mặt ngôn từ, bởi hình tượng văn học mọc lên từ đó.
Từ âm thanh, nhạc điệu, ý nghĩa của từ ngữ, ý nghĩa các biểu tượng đã hình
thành trong truyền thống văn hóa, cấu trúc của văn bản, giọng điệu, lời văn của
ai, quan hệ đối thoại trong ngữ cảnh… đều là những yếu tố cần được tìm hiểu để
hiểu được bài văn. Hiểu nhầm một từ có khi đi chệch hướng bài văn. Ngôn từ ở
đây đã là ngôn từ nghệ thuật. Chúng đã là những diễn viên biểu diễn tâm tình
người nghệ sĩ.
Đọc văn (phân
tích, bình giảng, bình luận) tất yếu phải tôn trọng văn bản, từ ngôn từ đến
hình tượng. Những cảm nhận không kiểm nghiệm được bằng văn bản có thể coi là đi
xa văn bản. Nhưng mặt khác người đọc có quyền tưởng tượng, lý giải, cụ thể hoá
hình tượng, nhập vào giọng điệu, nhịp điệu, động tác của ngôn từ để hiểu chúng,
miễn sao không phương hại tới tính toàn vẹn của tác phẩm.
Trong thời đại
ngày nay, khi lý thuyết tiếp nhận đã xuất hiện, khi vai trò chủ thể người đọc
đã lên cao, thì không còn một lý thuyết phê bình nào chiếm được địa vị độc tôn
và trở thành khuôn vàng thước ngọc duy nhất. Văn học là ngôi nhà mà các cửa mở
ra mọi phía. Khác nhau chăng chỉ là sự vận động đổi thay hệ hình tiếp cận do thời
đại tạo nên, nhưng hệ hình mới bao hàm, chứ không bao giờ loại bỏ một cách tiếp
cận hữu hiệu nào đó.
Đọc văn là nền tảng
của học văn. Học văn là học năng lực cảm thụ văn, bồi dưỡng thị hiếu văn, tiếp
nhận kiến thức văn hóa văn, rèn luyện năng lực biểu đạt, sáng tạo văn. Đỗ Phủ
đã nói: “Đọc rách vạn quyển sách, Hạ bút như có thần”. M.Gorki đã kể chuyện ông
đọc nhiều như thế nào trước khi thành nhà văn lớn. Muốn học giỏi văn phải bắt đầu
bằng đọc văn. Đọc văn khác giảng văn. Giảng văn là việc của thầy. Đọc văn là việc
của mọi người. Đã đến lúc phải chuyển việc giảng văn trong nhà trường thành việc
dạy đọc, dạy cách đọc để học trò tự đọc lấy, thì việc học văn mới thực sự có kết
quả. Phải đọc văn để người đọc tự phát hiện ra mình và lớn lên.
(Trần Đình Sử, Đọc văn – Học văn, https://trandinhsu.wordpress.com/2022/04/19/doc-van-hoc-van,
truy cập ngày 30/03/2025)