ĐÊM THƠM
Tôi cắm bàn ủi. Ánh đèn
trong nhà chợt yếu lại. Tiếng bà nội trong phòng vọng ra:
- Đứa mô làm chi rứa?
- Cháu ủi đồ, mệ ơi!
- Mi có điên không? Giờ
cao điểm mà ủi chi, lỡ đứt cầu chì, ai sửa?
Tôi im thin thít nhưng vẫn
bướng bỉnh mở tủ lấy chiếc áo dài mới quăng ra giường, chờ bàn ủi nóng.
- Thôi Ti ơi, làm ơn nhổ
bàn ủi ra, đèn lên không muốn nổi đây này.
Chị Thảo đi may về, dẫn xe
đạp vô nhà:
- Mi làm chi mà mệ la ỏm
tỏi rứa?
Tôi dẹp bàn ủi, vùng vằng:
- Mệ chướng ghê. Từ sáng
đến chừ mới có điện, ủi cái áo cũng không cho.
- Để khuya rồi ủi.
- Biết khuya nhà đèn có
tha cho không.
- Chi mà gấp rứa?
- Em ủi áo dài mai đi học
chớ bộ.
Như chợt nhớ ra “tác phẩm”
của mình, chị Thảo lăng xăng.
- Đúng rồi đó, ủi xong bận
thử tao coi nghe.
Chiếc áo này là do “công
sức” của hai chị em tôi làm ra. Hôm thi đậu vào lớp 10, tôi vừa mừng vừa lo.
Mừng là khỏi bị học hệ B, vừa tốn tiền, vừa không có bạn để ganh đua. Còn lo
thì cũng chính đáng thôi. Bởi đây là năm đầu tiên tôi phải mặc áo dài đi học,
mà tiền sắm bộ áo dài đâu phải là ít đối với một gia đình nghèo. Tôi cảm thấy
cần phải tìm một việc làm để kiếm tiền may áo, đỡ bớt gánh nặng cho ba mẹ. Tình
cờ, chị Điệp hàng xóm đang làm việc cho một tiệm uốn tóc biết được tâm nguyện
của tôi nên dạy tôi làm móng tay chân rồi cho tôi theo phụ chị. “Thông minh vốn
sẵn tính trời”, tôi tiếp thu nghề thật chớp nhoáng. Ngày đầu tiên, tôi kiếm
được tám ngàn.
Sau gần một tháng, tôi đã
đủ tiền mua một cái quần trắng và sấp vải may áo dài hết ý. Vừa đúng lúc chị
Thảo mới học xong một khóa cắt may áo dài, tôi bèn trổ tài năn nỉ. Chị bằng
lòng với điều kiện phải bao chị một chầu bánh bèo bà Đỏ.
- Ti, mặc áo vô thử coi!
- Chị coi rồi!
- Nhưng khi nớ chưa ủi,
chưa đẹp.
- Thôi, để lên trường mặc
luôn.
Tôi chạy ra vườn. Ánh
trắng đầu thu như dòng sữa ngọt ngào mơn man làm tóc rối. Gió mát hôn lên môi,
tâm hồn tôi chợt sảng khoái lạ lùng. Tôi hít sâu vào lồng ngực mùi thơm vương
vấn khắp nơi. Hương hoa đào, hoa bưởi, hoa ngâu... và khóm lài bên hòn non bộ
cũng vừa hé nở những bông trắng nõn nà.
Tôi ngồi xuống ghế đá, đưa
tay nâng niu đài lá xanh ôm ấp nụ hoa đầu. Trong đêm, sắc lá trở nên tím thẫm
như màu mực tôi dùng để trang hoàng những tập vở chuẩn bị bước vào năm học mới.
Vậy là tôi đã bước vào cấp 3. Hành trình cũng khá vất vả vì tôi học không giỏi
lắm. Nhà tôi nghèo, ba mẹ là công nhân viên, lương không đủ sống, phải làm thêm
những công việc ngoài giờ, phụ vào kinh tế gia đình. Việc chị Thảo bị nghỉ học
từ năm lớp 9 để đi may thuê đã làm ba mẹ ân hận nên ba mẹ bắt tôi phải cố gắng
học hành cho đến nơi đến chốn. Số điểm tôi đạt được vượt xa điểm chuẩn đã làm
tôi sung sướng và ba mẹ cũng hãnh diện theo. Ba hứa sẽ cho tôi một món quà đặc
biệt dù tôi không đòi hỏi một sự ban thưởng nào hết. Học hành thi cử là bổn
phận của mình, phải làm tròn thôi.
Tôi đứng dậy, đi thơ thẩn
khắp vườn. Không gian tràn ngập ánh trăng. Trăng soi bàng bạc trên hàng dừa rủ
bóng, trăng dọi xuống vai tôi ngàn đốm lá lung linh. Trăng đưa hương hoa nâng
cõi lòng tôi bay bổng... Tôi yêu mảnh vườn nhà tôi biết bao. Khoảng đất nhỏ
trồng hoa và cây ăn trái theo tuổi thơ tôi lớn lên từng ngày. Gia đình tôi chỉ
có khoảng vườn này là đáng giá. Nhiều lúc túng thiếu quá, ba định treo bảng
bán. Nhưng mẹ cản, mẹ bảo đây là đất thừa tự của ông bà để lại, bán là mang tội
với tổ tiên. Thôi thì ăn rau, ăn mắm qua ngày, rồi trời cũng sẽ ngó xuống.
“Sông có khúc, người có lúc”, không lẽ cứ nghèo mãi sao? Vậy là tôi vẫn được
dịp lang thang khắp vườn những lúc rảnh rỗi, làm bạn với cây trái và hoa thơm.
Thích nhất là vào những đêm trăng như đêm nay, ngôi vườn thân yêu của tôi tỏa
ánh hào quang thơm ngát, hương hoa vương vấn tràn lan, dìu dịu len vào hồn
người cảm giác lâng lâng.
Điện trong nhà bỗng tắt
phụt. Tiếng bà nội càu nhàu:
- Đã nói mà. Đứt cầu chì
rồi chắc?
Tiếng chị Thảo:
- Chờ ba cháu về coi thử.
- Ba mẹ tụi bây đi mô mà
lâu rứa?
- Ba me cháu đi giao hàng.
Mệ cứ dùng cơm trước đi.
- Thôi, để mệ chờ! Thắp
ngọn đèn dầu đi cháu.
Trăng như càng sáng hơn.
Tôi trở về bên hòn non bộ, ngồi xuống ngắt một nụ lài hàm tiếu, lát nữa đem về
phòng cho hoa hé nở mang hương thơm đi vào giấc ngủ của tôi. Ngày mai, tôi sẽ
gặp lại bạn bè, thầy cô, trường lớp... tôi sẽ tung tăng trong sân ngôi trường
mới, dưới bóng phượng xanh um. Chẳng biết còn cánh hoa đỏ dễ thương nào sót lại
trên cành khi mùa hè đã qua không nhỉ?
- Ti! Ba đã về, đang bước
lại gần tôi.
- Ba ơi, đêm nay hoa nở
nhiều lắm. Thơm ơi là thơm!
Trăng đi vào đám mây. Ngôi
vườn trở nên tối thui. Ba hỏi:
- Điện cúp hồi nào vậy
con?
- Vừa mới thôi ba! Bà nội
bảo đứt cầu chì.
- Đâu có, suốt cả con
đường bị hết mà! - Ba ngồi xuống bên tôi - Ti à, mai trường con khai giảng phải
không?
- Dạ!
- Hay quá, ba vừa kịp có
quà cho con đây!
Ba lấy trong túi ra một
gói nhỏ:
- Đáng lý ba me phải may
áo dài cho con, nhưng chưa kịp có tiền thì con đã tự sắm cho mình được rồi.
Tính tự lập của con đã làm cho ba me rất vui. Chiều nay, me giao được hàng nên
đã cùng ba tìm mua cho con một cái đồng hồ để đi học khỏi bị trễ nải. Con cầm
lấy đi!
Tôi cảm động nép vào ngực
ba:
- Ba me hy sinh cho con
nhiều quá!
Ba vuốt tóc tôi:
- Đó là bổn phận của ba
me. Dù cực khổ cách mấy, ba me vẫn sẵn sàng vượt qua, miễn sao con chăm chỉ học
hành.
- Con hứa sẽ không phụ
lòng ba me!
Gió mát rượi. Tôi ngước
lên cao. Đám mây mỏng đang loãng tan vào vầng hào quang rạng rỡ, cho dòng sữa
trắng ngần rót xuống trần gian.
Ba hát nho nhỏ: “Đêm thơm
như một dòng sữa, lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà. Hiu hiu, hương từ
ngàn xa, bỗng quay về, dạt dào bên hè, ngoài trời khuya...”. Giọng ba trầm ấm.
Trong một phút giây mơ mộng, hẳn ba đã quên tất cả những nhọc nhằn bon chen của
đời sống khó khăn.
- Vườn nhà mình thật
tuyệt, phải không con?
- Dạ!
- Trăng sáng quá!
- Hôm nay rằm mà ba! Ý
quên, để con đi xem những nụ hoa ban chiều đã nở hết chưa?
Bước chân tôi rón rén len
giữa những khóm lài, sợ làm lay động giấc mơ tiên của những cánh mỏng dịu dàng
vừa xòe nụ thả hương cho gió. Hoa trắng ngần như màu áo dài đầu tiên tôi mặc
trong đời, thanh cao và kỳ diệu. Mong sao đêm chóng qua.
Tôi theo ba bước vào nhà.
Dòng sông trăng vẫn ngọt ngào rót sữa trên những hàng cây.
(Thùy An, Trích Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi, NXB Trẻ, 2008)
Nhà văn Thùy An tên thật là Nguyễn Thị Ái, sinh năm 1944 tại Thừa Thiên Huế. Bà bắt đầu con đường văn học từ khi còn trẻ, với tác phẩm đầu tay là truyện dài Vườn cau nước dâng xuất bản năm 1973. Văn phong của bà nhẹ nhàng, trong trẻo, thường lấy bối cảnh quê hương Huế, đặc biệt trong các tác phẩm dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Ngoài viết văn, bà còn làm thơ, viết kịch bản phim và chủ trương các tuyển tập cho tuổi mới lớn như "Tuổi Ngọc" và "Bạn Ngọc".