Chào mừng quý thầy cô và các em học sinh đến với website "Học liệu số"!

Hàm ý hội thoại trong truyện cười dân gian Việt Nam

HÀM Ý HỘI THOẠI TRONG TRUYỆN CƯỜI DÂN GIAN VIỆT NAM XÉT TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI PHƯƠNG CHÂM VỀ LƯỢNG

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TS; Đại học Tây Bắc)

1. Hàm ý hội thoại là hàm ý được suy ra trong hội thoại gắn với việc thực hiện nguyên tắc cộng tác (co-operative principle) được Grice (1975) nêu ra và chi tiết hoá thành các quy tắc bậc dưới, gọi là các phương châm (maxims) hội thoại: lượng, chất, quan hệ, cách thức. Trong truyện cười dân gian (TCDG) Việt Nam, một hàm ý hội thoại được tạo ra có thể có quan hệ với một / một số phương châm hội thoại. Bài viết này đề cập đến hàm ý hội thoại trong TCDG Việt Nam xét trong quan hệ với phương châm về lượng.

Hàm ý trong truyện cười dân gian Việt Nam

Phương châm về lượng yêu cầu phần đóng góp lượng tin của người nói phải theo tiêu chuẩn cần và đủ xét theo mục đích của cuộc thoại mà không cung cấp lượng tin nhiều hơn và cũng không ít hơn.

Trong TCDG Việt Nam, phương châm về lượng thường không được tuân thủ nhằm mục đích tạo ra hàm ý từ đó sẽ gây ra tiếng cười. Sự cố ý vi phạm, không tuân thủ phương châm về lượng này có thể diễn ra theo hai hướng:

Một là, người nói cố ý cung cấp lượng tin ít hơn mức cần thiết (chưa đủ mức như “nó được đòi hỏi”, chi tiết 1 trong phương châm về lượng).

Hai là, người nói cố ý cung cấp lượng tin nhiều hơn mức cần thiết (chi tiết 2 trong phương châm về lượng).

2. Để làm sáng tỏ các đặc tính cơ bản và tác dụng của hàm ý trong việc tạo nên tiếng cười thâm thúy, bài viết sẽ chọn một số truyện cười dân gian Việt Nam tiêu biểu để phân tích. Kết quả phân tích hàm ý của các truyện khác còn lại mà bài viết đã khảo sát được thể hiện trong BẢNG 2.1.

2.1. Hàm ý hội thoại liên quan đến việc cung cấp thiếu tin

Ví dụ 1: Truyện BẨM CHÓ CẢ

Nhà nho nọ thấy quan lại tham nhũng, trong lòng rất khinh. Một hôm, các quan đến nhà chơi, trong số đó có cả mấy bạn đồng song thủa trước. Ông ta bảo người nhà dọn rượu thết.

Người nhà bưng mâm lên, ông ta đứng dậy thưa:

- Chả mấy khi rồng đến nhà tôm, các ngài có bụng yêu nhà nho thanh bạch đến chơi, có chén rượu nhạt xin các ngài chiếu cố cho.

Các quan cầm đũa, gắp mấy món. Các quan ăn thấy ngon miệng, liền khề khà hỏi: đây đĩa gì, kia bát gì...

Nhà nho thong thả nói:

- Đây là chó, kia cũng là chó, bẩm toàn chó cả.

Tình huống tạo ra hàm ý gây cười là bữa cơm rượu một nhà nho tổ chức để thết đãi một số vị quan là khách của mình. Câu mở đầu truyện cho biết các vị thực khách đều là những tham quan mà nhà nho “trong lòng rất khinh”.

Trong phát ngôn của nhà nho được chúng tôi in đậm có chứa hàm ý được tạo ra do sự vi phạm phương châm về lượng, tức là trong phát ngôn của mình, nhà nho đã không tuân thủ chặt chẽ phương châm về lượng “đóng góp lượng tin như nó được đòi hỏi” - ông chỉ nói tắt: Đây là chó, kia cũng là chó, bẩm toàn chó cả.

Khi nghe phát ngôn này, người ta sẽ không rõ các đại từ chỉ xuất “đây”, “kia” có ý nghĩa chỉ xuất nơi chốn, định vị trí trong không gian của vật (các đĩa đựng thức ăn / món ăn) hay là “người” (các quan khách đang ngồi). Mặt khác, do nói tắt nên ông cũng không nói rõ chó ở đây là “thịt chó” mà các quan đang ăn hay là “con chó” (ám chỉ các quan)?

Chính lối nói lấp lửng do cung cấp thiếu tin này đã khiến người nghe có thể hiểu câu nói của nhà nho theo cách 1 (toàn là thịt chó) và 2 (toàn là đồ chó). Nhờ cách hiểu thứ nhất mà nhà nho đã tránh được sự quở phạt do đã sỉ nhục các quan “toàn là đồ chó cả”!!

Nhưng liệu có phải là nhà nho cố tình nói tắt, vi phạm phương châm về lượng để gây hàm ý tạo ra tiếng cười như vậy hay không? Hay đó chỉ là do nhà phân tích diễn ngôn bịa đặt ra như vậy?

Một nguyên tắc của phân tích diễn ngôn phê bình là “nói có sách, mách có chứng”! Muốn trả lời câu hỏi vừa nêu, chúng ta phải hiểu rõ thâm tâm của nhà nho, “trong bụng” ông ta nghĩ gì? Chính câu đầu tiên của truyện đã chứa câu trả lời bởi vì trong đó có mấy tiếng cuối câu: trong lòng (nhà nho) rất khinh! Mấy tiếng này là cái nhân trong chủ đề của câu chuyện, nó chứng tỏ nhà nho cố ý nói ra câu chứa hàm ý đó. Đồng thời nhà nho cũng dư biết rằng việc dùng hàm ý của mình sẽ thành công, các quan khách ắt dễ dàng giải đoán được hàm ý ấy.

Hàm ý trong câu kết truyện đã được tạo ra một cách bất ngờ. Các quan khách thì bàng hoàng, chết lặng khi bị “mắng trực diện”, còn người đọc thì được trận cười sảng khoái.

Ví dụ 2: Truyện BỨC THƯ LẠ

Tình huống của câu chuyện như sau: người lính gửi về cho vợ mình một bức thư gồm toàn hình vẽ. Người bạn chuyển thư không hiểu ý nghĩa của các hình vẽ là kê số tiền gửi nên đã lấy bớt tiền khiến người vợ lính phải đến cửa quan. Do việc kiện tụng mà có cuộc thoại giữa quan và vợ người lính. Truyện viết như sau:

[…]

Quan cho phải, bắt anh kia trả số tiền, nhưng ngài còn hỏi chị kia:

- Thế còn hai con dê và cái chũm choẹ kia là ý thế nào?

Chị ta sượng sùng không nói. Quan hỏi mãi mới thưa:

- Đấy là nhà con vẽ đùa.

- Đùa thế là có ý gì, phải nói ra.

- Bẩm quan lớn, hai con dê và cái chũm chọe là nhà con muốn hẹn con rằng, đến tết Trùng dương thì nhà con sẽ về thăm nhà... đấy ạ!

Trước hết cần chú ý điều mà chị vợ lính ngượng không nói ra được (“chị ta sượng sùng không nói”), nhưng do quan bắt chị “phải nói ra” nên chị mới buộc phải thưa với quan. Tuy nhiên, khi bị buộc phải trả lời, chị đã tế nhị thưa trước rằng đây chỉ là “chuyện đùa”, cũng có nghĩa là không phải việc có thể nói ở “công đường” - chuyện riêng tư kín đáo của vợ chồng chốn buồng the. Do vậy người vợ lính đã giải thích bằng một câu lấp lửng thiếu thông tin (vi phạm phương châm về chất - cần phải nói rõ ràng, tránh mập mờ; chỗ thiếu tin được người viết ghi bằng dấu ba chấm, và chính đó là chỗ chứa hàm ý).

Khi người vợ lính giải thích hai con dê là “tết trùng dương” thì quan hiểu ngay mà không phải suy đoán hàm ý, còn cái chũm choẹ thì chỉ được người vợ giải thích là nhà con sẽ về thăm nhà... đấy ạ! Chính chỗ ngập ngừng trên lời nói đã giúp quan suy luận và hiểu ra điều mà chị ta khó nói.

Như vậy, người vợ lính đã sử dụng thành công hàm ý trong khi trả lời một vấn đề hết sức “tế nhị”, vốn được coi là kiêng kị đối với quan trên.

2.2. Hàm ý hội thoại liên quan đến việc cung cấp thừa thông tin

Ví dụ 3: Truyện NÓI CÓ ĐẦU CÓ ĐUÔI

Một lão nhà giàu có anh đầy tớ tính bộp chộp, thấy gì nói ấy, gặp đâu nói đó, chẳng có đầu có đuôi gì cả. Lão mới gọi anh ta bảo:

- [...]. Từ rày nói cái gì thì phải nói cho có đầu có đuôi nghe không?

Anh đầy tớ vâng vâng, dạ dạ.

Một hôm lão mặc quần áo sắp sửa đi chơi, đang ngồi hút thuốc thì thấy anh đầy tớ đứng chắp tay trịnh trọng nói:

- Thưa ông, con tằm nó nhả tơ, người ta mang tơ bán cho người Tàu, người Tàu đem dệt thành the rồi bán sang ta. Ông mua the về may thành áo. Hôm nay ông mặc áo, ông hút thuốc. Tàn thuốc nó rơi vào áo ông, và áo ông đang cháy.

Lão giật mình nhìn xuống thì áo đã cháy to bằng bàn tay rồi.

Tình huống trong truyện là câu chuyện giữa một lão nhà giàu và anh đầy tớ tính hay “bộp chộp, thấy gì nói ấy, gặp đâu nói đó”. Anh ta nói “có đầu có đuôi” (như lời ông chủ dặn) về việc áo ông đang cháy. Tình huống này tạo ra hàm ý gây cười.

Trước hết, người nghe (lão nhà giàu) và người đọc dễ nhận ra trong câu nói được chúng tôi in đậm của anh đầy tớ có chứa hàm ý và hàm ý này được tạo ra do không tuân thủ phương châm về lượng (và phương châm cách thức). Tức là trong câu nói của mình tại thời điểm nói anh ta đã nói những điều không cần thiết như đòi hỏi của cuộc thoại - nói thừa thông tin, nói dài dòng.

Truyện cho thấy lời người đầy tớ không đáp ứng được phương châm về lượng do bị phương châm về cách thức (điểm 3) khống chế, bởi người đầy tớ không thể không vâng lời ông chủ “nói cho có đầu có đuôi”. Nói cách khác, anh đầy tớ nhận thấy rằng mình không thể cùng một lúc tuân thủ được cả phương châm về lượng lẫn phương châm về cách thức trong lời nói của anh ta, tức là anh phải chấp nhận sự “đụng độ” cần thiết của hai phương châm do sự chi phối của tình huống “tớ phải vâng lời chủ”.

Ví dụ 4: Truyện MÁNH KHOÉ

Tình huống tạo ra hàm ý gây cười trong truyện cười này khá lí thú, gắn với việc moi tin từ tiền giả định chân thực. Tức là người nói sử dụng tiền giả định chân thực (vốn không có giá trị thông báo), nhưng đối với người nghe nó lại là cái chứa nội dung thông báo cần tìm, mặc dù người nói không có ý định đưa ra thông báo đó. Truyện viêt như sau:

Hai thầy lang ngồi nói chuyện với nhau. Thầy nọ hỏi thầy kia:

- Bác đi thăm bệnh, sao bất cứ bệnh nào bác cũng hỏi bệnh nhân thường ăn những gì, như vậy là nghĩa làm sao?

Thầy kia cười đáp:

- Có gì đâu, chẳng qua hỏi xem họ ăn uống có sang trọng hay không để sau định tiền thuốc nhiều hay ít cho nó dễ!

Rõ ràng sự giàu có là điều kiện để có thức ăn thức uống sang trọng (một suy lí điều kiện) và nội dung về sự giàu có đó là ‘tiền giả định tồn tại' cho câu có chứa nội dung “ăn uống các thức sang trọng” mà bệnh nhân sẽ kể ra với thầy lang một cách tự nguyện, không hề nghi ngờ rằng mình đã bị lợi dụng. Nếu không có một ‘tiền giả định tồn tại’ đúng như vậy, câu trả lời sẽ không có được cái nội dung chân thực về thức ăn thức uống

sang trọng. Vậy là ông thầy lang “giàu kinh nghiệm” kia đã khai thác thông tin về tài sản của bệnh nhân qua tiền giả định một cách điệu nghệ: bởi lẽ người bệnh không thể không trả lời một cách chân thực, cũng tức là sử dụng tiền giả định chân thực trong câu nói của mình, còn thầy lang thì khai thác được tin từ tiền giả định đó nhằm trục lợi cho chính mình, chứ không nhằm đên một “y đức” nào, mà thật kín cạnh!

Xét về phương châm hội thoại, cách người nói 2 tìm kiêm tiền giả định trong lời nói của người nói 1 như thê này là người nói 2 không gắn với phương châm về lượng: người nói đã nói ra lượng tin nhiều hơn cần thiêt.

2.3.    Kết quả nhận diện hàm ý xét theo phương châm lượng

Kêt quả phân tích các truyện về phương diện hàm ý xét theo phương châm về lượng được tổng kêt trong bảng dưới đây.

HÀM Ý HỘI THOẠI LIÊN QUAN ĐẾN PHƯƠNG CHÂM LƯỢNG

STT

Số thứ tự của truyện*

Đầu đề truyện

Thiếu tin

Thừa tin

Chú thích

1

I - 5

Bẩm chó cả

+

 

** Q chiếu

2

I -22

Bức thư lạ

+

 

** Thức

3

I - 27

Rắn của con

 

+

** Thức

4

I - 44

Nói có đầu có đuôi

 

+

 

5

I - 45

Tại ông không hỏi

 

+

** Lịch sự

6

I - 107

Mánh khóe

+

 

 

7

I - 113

Phù thủy sợ ma

+

 

** Q chiếu

8

I - 160

Kêu trước lên là vừa

 

+

** Chất

9

I - 163

Khoe của

 

+

 

10

I - 175

Không phải thịt lợn sề

 

+

** Lịch sự

11

I - 196

Ăn cỗ với ai

 

+

 

Chú thích: * Số thứ tự của truyện trong sách (chữ số La Mã chỉ mục, chữ số Ả Rập chỉ số thứ tự của truyện trong mục). ** Đọc là “còn có”.

2.4. Mô hình của hàm ý xét trong quan

Căn cứ vào sự cố ý không tuân thủ hệ với phương châm lượng phương châm lượng của người nói và sự cộng tác của người nghe đối với việc hiểu nội dung ngầm ẩn từ phát ngôn của người nói trong ngữ cảnh tình huống nhất định, mô hình giao tiếp có hàm ý xét trong quan hệ với phương châm lượng như sau:

A (người nói) tạo phát ngôn X trong tình huống Z ngầm ẩn nội dung Y

X thừa / thiếu lượng tin (xét trong mục đích của lần trao đổi đó)

B (người nghe) tiếp nhận X hiểu / giải đoán đúng Y trong Z.

3. Tóm lại, hàm ý hội thoại xuất hiện trong các phát ngôn nhưng không phải hàm ý nào cũng được tiếp nhận trong hoạt động giao tiếp. Điều quan trọng ở đây là người nghe có chấp nhận hợp tác với người nói hay không. Trong TCDG Việt Nam, mỗi truyện có hàm ý được sử dụng thành công đều liên quan đến nguyên tắc cộng tác của Grice.

Trong khi nói ra lời, người nói tự nhiên (không ý thức một cách rõ ràng về mặt lí thuyết) là có tuân theo hoặc không tuân theo một phương châm nào đó, để thực hiện cái ý chủ định trong việc đưa ra nội dung lời nói đó của mình. Khi người nói không tuân theo một phương châm nào đó trong lời được nói ra là người đó chủ định tạo ra một hàm ý, như trường hợp không tuân theo phương châm về lượng (cung cấp lượng tin ít hơn / nhiều hơn mức cần thiết) trong các ví dụ trên kia. Việc chủ định tạo ra một hàm ý bằng cách đó cũng có khả năng gây cười trong Truyện cười dân gian Việt Nam.

Tuy nhiên cũng có trường hợp hàm ý được tạo ra bởi người nói đang cần thiết phải chấp nhận sự va chạm (sự đụng độ) giữa một phương châm này với một phương châm khác. Chẳng hạn, khi một người nói (chấp nhận cộng tác) đưa ra một số lượng tin nhiều

hơn cần thiết, thì đó có thể là trường hợp có sự đụng độ giữa phương châm về lượng (có nội dung “không làm cho phần đóng góp của bạn có chứa tin nhiều hơn đang được đòi hỏi”) với một phương châm nào đó (ví dụ 3).

Do đặc điểm cấu trúc của truyện cười, hộ i thoại thường xuất hiện ở phần tình huống kết thúc truyện và giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên hàm ý để gây ra tiếng cười. Chính hàm ý là thông tin chứa đựng mâu thuẫn kịch tính giữa nội dung và hình thức vốn là bản chất của cái hài khiến người đọc phải bật lên tiếng cười. Như vậy tiếng cười được tạo ra sâu sắc, bài học luân lí mặc nhiên cũng được rút ra một cách hàm ẩn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Diệp Quang Ban, (2009), Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. George Yule, (1997), Dụng học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, (người dịch: Trúc Thanh, Hồng Nhâm, Ái Nguyên).

3. Đặng Thị Hảo Tâm, (2003), Cơ sở lí giải nghĩa hàm ẩn của các hành vi ngôn ngữ gián tiếp trong hội thoại, Hà Nội, Luận án Tiến sĩ.

4. Nguyễn Đức Tồn, (2008), Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5. Đỗ Bình Trị, (1999), Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Nguyễn Như Ý (chủ biên), (1998), Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

DẪN LIỆU

7. Trương Chính - Phong Châu (sưu tầm và tuyển chọn), (2004), Tiếng cười dân gian Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

(Ban Biên tập nhận bài ngày 17-01-2014)


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn