VĂN HOÁ, NGÔN NGỮ VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC… TRONG TOÀN CẦU HÓA
ĐỀ BÀI
Trong chuyên mục
Tọa đàm “Tự hào cùng Việt Nam” của báo Tuổi Trẻ, nhà hoạt động giáo dục Tôn Nữ
Thị Ninh đã chia sẻ: “Thế giới càng toàn cầu hoá, con người càng có nhu cầu
khẳng định và bám vào cội nguồn văn hoá và ngôn ngữ, bản sắc dân tộc và cộng đồng.”
(Tôn Nữ Thị Ninh, Tư duy và chia sẻ, NXB Trẻ, 2016, tr. 127)
Anh/chị hãy bày tỏ quan điểm về ý kiến trên.
BÀI LÀM
“Tết đã gần tôi gọi bánh chưng ơi
Để gọi lại những
xuân xa thuở trước
Nơi cuối năm khắp
chiều dài đất nước
Ngõ phố nào cũng
thấy lá dong xanh.”
(Thuỵ
Anh, Bánh chưng ơi)
Vẫn hoài thường trực ở
đó, một tiếng gọi vọng về cội nguồn văn hoá và bản sắc dân tộc của người trẻ giữa
thời đại của “thế giới san phẳng” hôm nay. Toàn cầu hoá thế giới mở ra muôn vàn
ngả đường đến bảo tàng văn hoá nhân loại, nhưng dường như càng hội nhập, càng
giao lưu bao nhiêu, con người ta lại càng khao khát được “trở về” bấy nhiêu. Đi
thật xa để trở về, trở về với mạch nguồn truyền thống ngàn đời của dân tộc.
Đúng như nhà hoạt động giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh từng chia sẻ trong chuyên mục tọa
đàm “Tự hào cùng Việt Nam”: “Thế giới càng toàn cầu hoá, con người càng có nhu
cầu khẳng định và bám vào cội nguồn văn hoá và ngôn ngữ, bản sắc dân tộc và cộng
đồng.”
“Thế giới toàn cầu hoá”,
một thời đại ghi nhận quá trình chuyển hoá và ảnh hưởng trên đa dạng lĩnh vực ở
quy mô toàn cầu, đã mở ra một kỉ nguyên mới trên tiến trình kết nối, giao lưu
và hội nhập quốc tế. Việt Nam chúng ta đã và đang từng bước tiến gần hơn đến
“vòng tay” của bạn bè quốc tế với những dấu mốc ngoại giao ấn tượng được xác lập:
bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1995), gia nhập hiệp hội các quốc gia Đông Nam
Á ASEAN (1995), và trong những năm gần đây, nước ta được tín nhiệm trở thành chủ
tịch ASEAN (2020), hay năm 2022 chính thức trở thành thành viên của hội đồng
Nhân quyền Liên Hợp Quốc… Trong hành trình hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế ấy,
đúng như Tôn Nữ Thị Ninh tỏ bày: “con người càng có nhu cầu khẳng định và bám
vào cội nguồn văn hoá” như một sự hướng về những giá trị vật chất và tinh thần
làm nên bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. “Bản sắc dân tộc” có lẽ là vốn
liếng, là nét riêng trong đặc điểm văn hoá, phân biệt nước ta với nước khác mà
nhờ đó chúng ta có hành trang để hội nhập. Lời chia sẻ được bộc bạch qua cấu
trúc câu “càng…càng” đã góp phần nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò quan trọng của cội
nguồn văn hoá, bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá hôm nay. Bà Tôn Nữ
Thị Ninh quả thực đã khơi dậy trong ta niềm “tự hào cùng Việt Nam”!
Nguồn cơn của làn sóng
toàn cầu hoá trước hết đã đem đến những cơ hội góp phần đẩy mạnh xu thế giao
lưu văn hoá và giao thoa bản sắc giữa các dân tộc. Cũng chính lúc ấy, “nhu cầu
khẳng định và bám vào cội nguồn văn hoá và ngôn ngữ” nơi mỗi con người càng được
phát huy. Bởi lẽ bản sắc văn hoá chính là vốn liếng, đồng thời cũng là dung mạo
riêng của mỗi dân tộc, góp phần phục vụ cho công cuộc quảng bá và nhân rộng văn
hoá giữa các quốc gia. Ta lấy cái riêng để hòa nhập với cái chung, cũng như lấy
cái bản sắc quê hương để góp vào bức tranh muôn màu muôn vẻ của văn hoá thế giới.
“Thế giới càng toàn cầu hoá” càng mở ra đa dạng các mặt trận để mỗi quốc gia khẳng
định chân dung văn hoá của mình, đồng thời tiếp thu và giao lưu với văn hoá
nhân loại. Như làn sóng Hallyu của văn hoá Hàn Quốc được hình thành từ đầu những
thập niên 90, đã và đang khuấy đảo mọi lĩnh vực tử điện ảnh đến âm nhạc nhằm phục
vụ cho mục đích truyền bá văn hóa, lan tỏa giá trị truyền thống của dân tộc.
Toàn cầu hóa đã góp phần thúc đẩy một cách tự nhiên “cội nguồn văn hóa và ngôn
ngữ” của “xứ sở kim chi”. Và như thế, Hàn Quốc đã phủ sóng bản sắc của mình lên
mọi ngõ ngách toàn cầu như một minh chứng khẳng định cho vai trò và sự cần thiết
của “nhu cầu bám vào cội nguồn văn hóa và ngôn ngữ, bản sắc dân tộc và cộng đồng”.
Tuy nhiên, song song với
cơ hội, thời đại toàn cầu hóa cũng đặt ra những thách thức nhất định với mỗi quốc
gia. Trong đó điển hình là nguy cơ vong bản (đánh mất bản sắc). Đơn cử như trường
hợp của tiếng Việt - tiếng nói của dân tộc bị xâm phạm và biến chất một cách
không khoan nhượng trên khắp các diễn đàn truyền thông lẫn xã hội. Một số bạn
trẻ vô tư hưởng ứng trào lưu teencode làm tha hoá và biến chất ngôn ngữ dân tộc.
Hay như những biển hiệu “nửa Tây, nửa ta” khắp các góc phố lai căng tùy tiện,
thiếu chuẩn mực, vô cùng phản cảm và ô hợp từng được đài truyền hình VTV cảnh
báo. Thiết nghĩ giữa làn sóng toàn cầu hoá, nếu không có ý thức “bám vào cội
nguồn văn hoá và ngôn ngữ”, thì có phải một ngày, ngay cả tiếng nói - một yếu tố
cốt lõi thuộc về căn tính dân tộc cũng bị đồng hoá hay không?
Cũng từ đó có thể khẳng định
“cội nguồn văn hoá”, “bản sắc dân tộc” khi ấy chính là trụ cột giữ cho dung mạo
của mỗi quốc gia được vẹn nguyên, lành vững. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng từng nói ở “Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021”: “Văn hoá là hồn
cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn”. Đứng
trước làn sóng hội nhập như vũ bão, “con người càng có nhu cầu được bám vào cội
nguồn văn hoá” như phương thức giữ cho mình một cốt cách, một phẩm hạnh tốt đẹp
tự ngàn đời của dân tộc. Và như nhà thơ Xuân Diệu từng tỏ bày: “không đứng vào
dân tộc như cây không đứng vào đất, làm gì có sức chắc chắn để phát triển cho đến
tận cùng”. “Bám vào cội nguồn” cho ta một điểm tựa để hoà nhập nhưng không hoà
tan, để vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhưng đồng thời cũng vừa đi
dưỡng và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tôi nhớ đến niềm trăn trở của
một lãnh đạo quốc gia: “Mở cửa là có gió mát, nhưng ruồi muỗi cũng bay vào”, và
tôi tin “bản sắc dân tộc” chính là thước đo minh xác nhất cho mọi sự lĩnh hội
tinh hoa văn hoá đa phương. Để từ đó, dẫu toàn cầu hoá, dẫu hội nhập - chúng ta
vẫn giữ lại nơi cốt cách dân tộc mình những giá trị bản nguyên.
Và có lẽ vì vậy mà ý thức
“bám vào cội nguồn văn hoá và ngôn ngữ” muôn đời vẫn thường trực như một tôn chỉ
sáng tạo tiên quyết của những văn nhân trên mặt trận văn hoá nghệ thuật. Giữa
thời buổi hội nhập toàn cầu, mới đáng trân trọng thay cho những nỗ lực níu giữ
“cội nguồn văn hoá” của những người nghệ sĩ ôm niềm thao thức bảo lưu và gìn giữ
cho sự trong sáng của tiếng Việt. Đó là nữ “nhà văn xóm rẫy” Nguyễn Ngọc Tư với
những tác phẩm dày đặc phương ngữ Nam Bộ. Đó là một thi sĩ Lê Đạt với “thơ dòng
chữ” khẳng định khát vọng cách tân, làm mới và sáng tạo các khả thể biểu đạt của
tiếng Việt. Và đó là một Lưu Quang Vũ với niềm tha thiết khôn nguôi về vẻ đẹp của
tiếng nói quê hương: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/Có gọi thầm tiếng Việt
mỗi đêm khuya”. Chính những người họ đã cho tôi thấy rằng “khẳng định và bám
vào cội nguồn văn hoá và ngôn ngữ” không chỉ giản đơn là một “nhu cầu” nữa, mà
hơn cả, đó là lẽ sống, là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc
trong thời buổi hôm nay.
Cũng từ đây, tôi nhớ đến
các bạn trẻ Việt Nam, thế hệ của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, nếu chỉ khư khư “khẳng
định và bám vào cội nguồn văn hoá” sẽ là biểu hiện của tinh thần thủ cựu, bảo
thủ. Ngược lại, nếu chỉ háo hức tiếp thu cái mới, cái lạ của văn hoá nhân loại,
rất dễ dẫn đến nguy cơ bị pha tạp, đánh mất bản sắc và đẩy mình vào thách thức
“vong bản”. Toàn cầu hoá tạo cơ hội cho con người vươn xa trở thành những công
dân toàn cầu, nhưng dẫu có ở đâu, sống và phát triển như thế nào, ta vẫn sẽ mạnh
mẽ và đủ đầy nếu giữ vững cốt cách, linh hồn của dân tộc. Để từ đó hiểu rằng “đứng
vào dân tộc” (Xuân Diệu), hay “bám vào cội nguồn” không đồng nghĩa với việc chỉ
biết “cột chặt” đời mình nơi hình hài Tổ quốc, mà gắn với bối cảnh toàn cầu
hoá, đó là khát vọng đem hơi thở, quốc hồn, quốc tuý của đất nước vươn xa đến tận
năm châu. Hãy bay xa đến khắp phương trời với “Việt Nam trong mỗi linh hồn”
(Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Do vậy trước những cơ hội
xen lẫn thách thức, chúng ta cần có tinh thần cởi mở, giao thoa văn hoá nhân loại
nhưng đồng thời cũng phải có ý thức giữ gìn “cho cội nguồn văn hoá và ngôn ngữ,
bản sắc dân tộc và cộng đồng” được vẹn nguyên, lành vững. Đó là một quá trình
dài đòi hỏi nỗ lực song song, mọi sự tuyệt đối hoá đều là khập khiễng.
Và lời thơ của Thuỵ Anh vẫn
da diết như lời vẫy gọi gửi về quá vãng:
“Bánh chưng ơi –
Tôi gọi lời tha thiết
Xa tự bao giờ mà
xa thế, bánh chưng ơi!”
(Thụy
Anh, Bánh chưng ơi)
Những giá trị của cội nguồn
văn hoá vẫn đang tiến từng bước trên đà mai một và phôi pha… Vậy ta có thể làm
gì hôm nay?
NGUYỄN
QUỐC ANH, HỌC SINH LỚP 12 VĂN
TRƯỜNG
THPT CHUYÊN LƯƠNG THẾ VINH, TỈNH ĐỒNG NAI
NIÊN KHÓA 2020 – 2023